Kỹ năng thuyết trình đóng vai trò vô cùng quan trọng trong nghề lập trình, sẽ có nhiều lúc bạn cần trình bày các ý kiến, quan điểm của mình trước đám đông. Khi đó, kỹ năng này sẽ là vấn đề “mấu chốt” quyết định bạn có thể thuyết phục hay tạo động lực cho những người xung quanh hay không?
Vào năm 2017, nhóm của chúng tôi đã trải qua các giai đoạn đầu của thương vụ hợp nhất Dell-EMC lịch sử. Chúng tôi phải trình bày các quy trình hiện có của Dell cho doanh nghiệp EMC và ngược lại. Nhiệm vụ của tôi là giải thích cách Dell xử lý các bảo hành trong nội bộ.
Lúc ấy, căn phòng diễn ra buổi thuyết trình có sự góp mặt của hơn 50 doanh nhân từ cả 2 công ty và còn có rất nhiều người trên thế giới tham gia buổi hôm ấy qua các ứng dụng trực tuyến. Mặc dù tôi đã luyện tập rất cẩn thận và đã rất tự tin khi thuyết trình với lãnh đạo cấp cao nhưng điều đó vẫn là một thách thức rất lớn.
Thật may mắn, buổi thuyết trình đã diễn ra cực kỳ suôn sẻ, tôi đã nhận được mưa lời khen từ phía đồng nghiệp của mình. Nhờ thế, 2 năm sau nhóm tôi vẫn có thể giữ được mối quan hệ tốt đẹp khi hợp tác với đối tác để tích hợp hệ thống quản lý bảo hành giữa hai bên. Và điều đó đã mang lại lợi ích về mặt vật chất lẫn tinh thần cho tôi và cả team.
Như vậy mới thấy, sức mạnh của một bài thuyết trình tốt là không hề nhỏ. Kỹ năng đó có thể nâng bạn lên một tầm cao mới trong sự nghiệp hay thậm chí biến bạn thành một người lãnh đạo đáng tin cậy.
Vì thế, hãy cùng 200Lab tìm hiểu quy trình 5 bước dưới đây giúp bạn bứt phá kĩ năng của mình, trở thành một nhà diễn thuyết tài ba.
1. Hiểu rõ chủ đề thuyết trình
Hiểu rõ chủ đề là nền tảng để tạo nên một bài thuyết trình xuất sắc. Bởi vì nếu không hiểu rõ về những mình đang nói, bạn sẽ không thể nào tự tin thuyết trình trước mặt bao nhiêu người. Việc thiếu tự tin như vậy sẽ khiến bài thuyết trình của bạn trở nên vô cùng dở tệ.
Thật là thảm hại khi bạn dành biết bao nhiêu công sức để chuẩn bị cho bài thuyết trình mà lại không nhận lại bất kỳ một kết quả nào cả. Bạn muốn bản thân có thể đem đến giá trị hữu ích qua buổi diễn thuyết ư? Và khán giả của bạn cũng mong muốn điều tương tự.
Ngay cả khi bạn nắm chắc chủ đề của mình thì việc xem lại những ý quan trọng trước khi nói chuyện trước đám đông là điều vô cùng hữu ích. Bài thuyết trình với những ý rõ ràng, cụ thể sẽ khiến buổi nói chuyện của bạn trở nên vô cùng dễ hiểu và cuốn hút.
Ngoài ra, bạn cũng có thể liệt kê những ý mà mình muốn truyền tải ra một tờ giấy. Cách đó sẽ giúp bạn tập trung hơn vào những ý chính, phần cốt lõi thay vì cứ nói lan man cả buổi trời. Không những thế, những dòng ghi chú ấy cũng phần nào giúp bạn cảm thấy an tâm hơn vì biết rằng mình sẽ không bỏ sót điều gì trong buổi thuyết trình.
2. Hiểu khán giả của bạn là ai
Nên nhớ rằng, bài thuyết trình chứ không phải là một bài kiểm tra trình độ hay năng lực, trừ khi đó là một phần của cuộc phỏng vấn. Hãy thuyết trình về một lĩnh vực cụ thể mà khán giả của bạn quan tâm hay muốn tìm hiểu
Bạn không thể cứ luyên thuyên về những gì bạn biết mà không quan tâm gì đến đối tượng mục tiêu của mình. Thay vì như thế, hãy tập trung vào nội dung liên quan đến khác giả của mình. Ngoài ra, cách sử dụng câu cú, ngôn từ hay tốc độ nói chuyện cũng phải phù hợp với người nghe.
Nhân tiện tôi muốn kể với các bạn một câu chuyện, có một lần khi trình bày với CIO mới nhận chức. Anh ấy đã hỏi tôi liệu có thể nói ra tên đầy đủ của các app thay vì sử dụng những từ viết tắt trong bài thuyết trình hay không. Bởi vì quá quen thuộc với những từ viết tắt mà tôi quên mất rằng CIO mới có thể không hiểu nghĩa của chúng.
3. Hãy tạm dừng để đặt câu hỏi
Thông thường khi cảm thấy lo lắng, hồi hộp chúng ta sẽ có xu hướng thuyết trình không ngừng nghỉ. Bởi vì chúng ta muốn nhanh chóng kết thúc bài trình bày nên cứ liên tục nói và nói. Tuy nhiên, điều đó không giúp bạn trở nên tự tin hơn trong mắt những người xung quanh.
Một người thuyết trình chuyên nghiệp là người biết tạm dừng đúng lúc để mọi người có thể nắm bắt được nội dung. Bởi vì nhiều khán giả cảm thấy ngại khi cắt ngang cuộc trò chuyện để làm rõ vấn đề của mình. Tạm dừng đúng lúc sẽ tạo cơ hội tuyệt vời để khán giả đặt ra những câu hỏi. Điều này sẽ giúp mọi người cảm thấy vui hơn khi nghĩ mình là một phần của bài thuyết trình
Ngoài ra, bạn cũng có thể đặt ra những câu hỏi để buổi trò chuyện trở nên thú vị hơn. Điều đó giúp khán giả tương tác nhiều hơn, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa bạn và mọi người xung quanh. Theo kinh nghiệm của cá nhân tôi, thuyết trình có sự tương tác, trao đổi qua lại sẽ tạo ra bầu không khí vui vẻ và thoải mái hơn nhiều so với bài thuyết trình một chiều.
4. Biết cách kiểm soát
Với quỹ thời gian có hạn trong buổi thuyết trình, bạn cần lên một kế hoạch cụ thể để có thể truyền đạt hết những nội dung chính và cố gắng xử lý hết những câu hỏi từ phía người nghe.
Đôi khi bạn sẽ gặp trường hợp, cuộc họp bị gạt sang một bên vì những cuộc thảo luận không liên quan gì đến chủ đề của bạn đang nói. Mọi người bắt đầu đặt câu hỏi hay đưa ra quan điểm cá nhân và những người khác cũng cố gắng nhảy vào để nêu lên ý kiến của bản thân. Thế là bài thuyết trình của bạn bỗng chốc biến thành cuộc tranh luận sôi nổi giữa những đồng nghiệp.
Vì thế, để thực hiện một bài thuyết trình thành công, bạn phải biết cách điều khiển, kiểm soát cuộc họp theo hướng của mình. Khi cảm thấy cuộc thảo luận đi ra khỏi chủ đề chính, bạn hoàn toàn có thể yêu cầu tạm dừng cuộc thảo luận ấy để tiếp tục phần trình bày của mình.
Việc đặt ra những câu hỏi và trả lời chúng trong bài thuyết trình cũng là một cách vô cùng hữu ích, giúp khơi dậy sự tò mò và sự hứng thú từ phía người nghe. Nhưng nếu thời gian có hạn thì bạn cũng có thể đặt ra những câu hỏi và cùng nhau thảo luận bên ngoài cuộc họp.
5. Thu thập phản hồi
Bạn cũng có thể cải thiện kỹ năng thuyết trình nhờ những lời nhận xét chân thực từ phía khán giả của mình. Hãy cung cấp những cách thức để khán giả có thể gửi những phản hồi, đánh giá hay thắc mắc về buổi thuyết trình.
Những feedback đó sẽ giúp bạn hiểu rõ thiếu sót của mình theo ý kiến của khán giả. Vấn đề mà bạn gặp phải có thể là về phong cách thuyết trình hoặc kiến thức chuyên môn về chủ đề đã thảo luận. Điều quan trọng là bạn phải hiểu bài thuyết trình diễn ra như thế nào, có cung cấp thêm kiến thức, giá trị hữu ích cho những người tham gia hay không.
Feedback không phải chỉ nói về những sai sót cần khắc phục. Đôi khi khán giả của bạn cũng có thể nói về những điều tuyệt vời diễn ra trong buổi thuyết trình. Những lời khen ấy sẽ là động lực rất lớn giúp bạn cảm thấy tự tin hơn trong những lần trình bày tiếp theo.
Lời kết
Kỹ năng thuyết trình tốt vô cùng cất thiết đối với một lập trình viên. Kỹ năng ấy giúp bạn thể hiện được năng lực khi trình bày rõ ràng công việc của mình. Thậm chí, bạn có thể được công nhận là người dẫn đầu của team
Nếu hiện tại bạn không giỏi kỹ năng này thì cũng đừng quá lo lắng. Đó là kỹ năng mà bạn có thể học được qua rèn luyện. Cố gắng luyện tập trước gương hoặc trước những người bạn, đồng nghiệp của mình và thực hiện theo từng bước như bài viết đã đề cập.
Với phương pháp thực hành đúng đắn kết hợp với sự kiên trì, chịu khó, bài thuyết trình của bạn sẽ tốt hơn theo thời gian. 200Lab gửi lời cảm ơn chân thành đến bạn đọc, chúc bạn sẽ sớm cải thiện được kỹ năng quan trọng này.
Bài viết này được dịch từ đây.
Tham khảo thêm:
- Giao tiếp như một lập trình viên chuyên nghiệp
- 4 nguồn thu nhập thụ động dễ dàng cho lập trình viên
- Làm thế nào để tăng tốc độ lập trình của bản thân?
Kieu Hoa
Khi mình yêu cuộc đời, cuộc đời cũng sẽ yêu mình đắm say
Bài viết liên quan
Làm thế nào để tăng tốc độ lập trình của bản thân?
Jun 19, 2023 • 7 min read