Facebook Pixel

Webpack vs Vite: Đâu là lựa chọn tốt dành cho dự án của bạn?

13 Jan, 2025

Tran Thuy Vy

Frontend Developer

Webpack và Vite khác nhau như thế nào? Làm thế nào để chọn công cụ bundler phù hợp với một dự án

Webpack vs Vite: Đâu là lựa chọn tốt dành cho dự án của bạn?

Mục Lục

Nếu bạn đang có mặt tại đây để đọc những lời chia sẻ này của mình, thì có lẽ bạn cũng giống mình, đang phân vân với việc lựa chọn công nghệ tối ưu cho quy trình phát triển ứng dụng. Đặc biệt, khi nói đến việc "đóng gói" (bundle) code để chuẩn bị cho việc lên production, chúng ta có vô vàn công cụ hỗ trợ, nhưng nổi bật nhất có lẽ vẫn là Webpack. Tuy nhiên, những năm gần đây có một cái tên mới xuất hiện và ngày càng được quan tâm, đó là Vite.

Vậy Webpack và Vite khác nhau như thế nào? Làm thế nào để chọn công cụ bundler phù hợp với một dự án? Hôm nay, mình sẽ cùng các bạn đi sâu và phân tích một cách chi tiết nhất có thể về hai công cụ này, đồng thời chia sẻ cả những trải nghiệm thực tế của cá nhân trong một khoảng thời gian trải nghiệm. Bài viết sẽ khá dài, nhưng mình tin rằng nó sẽ giúp ích rất nhiều cho bạn trong việc lựa chọn công cụ bundler.

1. Tổng quan về Webpack và Vite

Mình sẽ đi tổng quan qua về webpack và vite trước khi đi vào so sánh chi tiết về 2 bundle nha.

1.1 Webpack

Webpack là một bundle JavaScript được thiết lập tốt với hỗ trợ cho các trường hợp sử dụng khác nhau như: SPA, MPA, hay thậm chí là những cấu trúc micro frontend phức tạp.

Webpack bundler

Tưởng tượng có một "kho đồ" khổng lồ, Webpack sẽ giúp bạn sắp xếp, phân loại, thậm chí là nén, xóa những thứ không cần thiết để bạn có ngay một source code gọn gàng cho production... Nó cung cấp nhiều tính năng như:

  • Code Splitting: thay vì gom tất cả code vào một file duy nhất, Webpack cho phép bạn chia nhỏ code thành nhiều chunks. Nhờ đó, bạn chỉ cần tải những phần cần thiết khi người dùng truy cập trang, giúp tốc độ load cải thiện.
  • Tree-Shaking: Webpack sẽ loại bỏ những đoạn code thừa thãi, không được sử dụng, giúp build nhẹ nhàng hơn.
  • Hệ sinh thái plugin lớn: hỗ trợ nhiều plugin và loaders để tùy chỉnh gần như không giới hạn.
  • Asset handle: JavaScript, CSS, hình ảnh, font, hay bất kỳ thứ gì khác bạn ném vào dự án, Webpack đều có thể "cân" được. Thông qua các loader, bạn dễ dàng biến SCSS thành CSS, inline hình ảnh thành base64, hoặc tách font riêng.
  • Cấu hình linh hoạt: nếu dự án của bạn phức tạp đến mức "một config bình thường không thể handle nổi", thì đây chính là điểm mạnh của Webpack. Bạn có thể thoải mái bổ sung, tinh chỉnh những gì bạn muốn trong file webpack.config.js.

1.2 Vite

Khi nhắc đến build tool, Vite là cái tên mình luôn nghĩ đến đầu tiên, được thiết kế để tối ưu hóa quy trình development và production.

Vite Bundler

Có thể nói, Vite mang đến một làn gió mới, khiến nhiều dân dev "phải lòng" nhờ những ưu điểm sau:

  • Instant start: thay vì phải "bundle" hết mọi thứ ngay từ đầu như: Webpack, Vite dựa vào ES Modules gốc trên browser để load code. Điều này giúp bạn khởi động dự án gần như ngay lập tức, không mất quá nhiều thời gian cho quá trình chuẩn bị.
  • Hot Module Replacement (HMR): mỗi lần bạn chỉnh sửa code, Vite chỉ "động" đến đúng phần đó và "chuyển" cho browser cập nhật. Nhờ vậy, những thay đổi xuất hiện ngay lập tức, giúp tiết kiệm kha khá thời gian chờ đợi (và cả sự bực bội khi dev server reload quá chậm).
  • Zero configuration: bạn có thể cài đặt Vite và "chạy" mà không phải nhức đầu với file config dày cộp. Tất nhiên, Vite vẫn có file vite.config.js hoặc vite.config.ts để tùy chỉnh. Nhưng nếu bạn chỉ làm những dự án vừa và nhỏ, hầu hết mọi thứ đều mượt mà ngay từ đầu.
  • Optimized production builds: ở production, Vite sử dụng Rollup để bundle, bạn có thể tin tưởng rằng sản phẩm cuối cùng sẽ được nén, tách file, và tối ưu hiệu suất ở mức cao.
  • Ideal for modern frameworks: dù bạn đang làm việc với Vue, React, hay thậm chí Svelte và Preact, Vite đều hỗ trợ "ngon lành".

2. Thời gian build

Về mặt hiệu suất, thời gian build là một trong những yếu tố quan trọng nhất mà mình (và có lẽ cả bạn) luôn để tâm. Vite "ăn điểm" nhờ việc chạy ngầm esbuild để pre-bundle các dependency ngay trong browser. Cách tiếp cận này giúp rút ngắn thời gian khởi động dev server một cách đáng kể, đồng thời đảm bảo tính tương thích module (ví dụ: chuyển CommonJS hay UMD thành ESM gốc).

Thời gian build

Webpack thì ngược lại, nó gom các dependency và source code lại chung một chỗ. Đúng là điều này có thể khiến thời gian khởi động server lâu hơn, dù Webpack cũng đã có nhiều cải tiến để tăng tốc. Tuy vậy, so với Vite, Webpack thường mất nhiều thời gian hơn.

Mình nói thế không đồng nghĩa với việc Vite luôn "toàn vẹn". Vì nó chỉ load những phần cần thiết khi chạy, nên đôi lúc bạn sẽ phải chờ thêm một chút khi truy cập những route cần nhiều dữ liệu, CSS hay file. Còn đối với Webpack thì đã được "gói gọn" mọi thứ từ ban đầu, nên khi bạn di chuyển giữa các trang trong môi trường dev, cảm giác sẽ nhanh hơn do code đã được bundle sẵn.

Như vậy, mỗi công cụ lại có "điểm cộng - điểm trừ" riêng: Vite nổi bật với tốc độ khởi động siêu nhanh, trong khi Webpack lại khiến bạn thoải mái hơn khi điều hướng giữa các trang đã được bundle đầy đủ. Việc chọn bên nào tuỳ thuộc vào ưu tiên của bạn: khởi động nhanh hay route mượt trong quá trình dev.

3. Hot Module Replacement (HMR)

HMR (Hot Module Replacement) là một tính năng "phải có" để khi bạn viết code, save lại là có thể xem ngay kết quả thay đổi mà không cần reload lại toàn bộ trang. Cả Webpack và Vite đều hỗ trợ HMR, nhưng mỗi tool lại có hiệu quả và cách thiết lập riêng.

Đối với Webpack:

  • Nếu dự án của bạn "đồ sộ" và đòi hỏi phải config phức tạp, HMR trong Webpack hoàn toàn có thể đáp ứng. Bạn muốn custom lại quy trình? Webpack cho phép bạn làm điều đó.
  • Chậm dần trong các dự án lớn: vấn đề là, khi project của bạn quá lớn, HMR của Webpack sẽ có thể bắt đầu trở nên chậm hơn. Dẫu vậy, đây vẫn là lựa chọn tốt cho những ứng dụng nhiều lớp nhiều tầng, vì độ linh hoạt gần như không có đối thủ.

Còn đối với Vite:

  • Thay vì bundle tất cả, Vite tận dụng ES Modules gốc, nên khi bạn sửa code, nó chỉ cần cập nhật đúng module bị thay đổi. Kết quả gần như ngay lập tức, cảm giác mượt.
  • Bạn không cần phải "vật lộn" với cả núi config. Mặc định, Vite đã có sẵn mọi thứ để HMR chạy, rất thích hợp nếu bạn muốn khởi động thật nhanh và tập trung vào việc viết code.
  • Nếu bạn đang làm một dự án front-end nhỏ hoặc muốn trải nghiệm thử vite, HMR của Vite đảm bảo sẽ khiến bạn thích thú.

4. Build lên production

Cả Webpack và Vite đều có thể tạo ra các bundle tối ưu nhờ những kỹ thuật như: code splitting, tree-shaking,... Tuy nhiên, Vite thường có lợi thế nhờ tận dụng Rollup:

  • Webpack: trung bình bundle khoảng 150KB
  • Vite: trung bình bundle khoảng 130KB

Phần chênh lệch có thể không quá lớn, nhưng nếu dự án của bạn có nhiều tính năng, nhiều thư viện, việc "tiết kiệm" vài chục KB cũng giúp cải thiện tốc độ load trang.

Comparing Bundle Time

Nhìn vào bảng so sánh thời gian trên (cụ thể với các phiên bản Vite v5.4.9 và Webpack v5.95.0):

  • Dev First Build (Lần build đầu trong môi trường development)
    • Vite: 421ms
    • Webpack: 771ms

Ở đây rõ ràng bạn có thể thấy, Vite khởi động dev server nhanh hơn Webpack khá nhiều (chỉ tốn chưa đến nửa giây). Lý do chính là Vite pre-bundle các dependency cần thiết và sử dụng ES Module gốc, thay vì phải bundle toàn bộ dự án ngay lập tức như Webpack.

  • Hot Change (HMR: Hot Module Replacement)
    • Vite: Instant (gần như ngay lập tức)
    • Webpack: khoảng 1.5 giây

Khi bạn sửa code, Vite chỉ cần cập nhật module vừa thay đổi, nhờ đó HMR diễn ra rất nhanh. Trong khi đó, Webpack phải handle nhiều hơn để phần code mới vào bundle, dẫn đến thời gian chờ lâu hơn.

  • Prod Build (Build cho môi trường production)
    • Vite: 212ms
    • Webpack: 1826ms

Ở giai đoạn build, Vite tiếp tục lại "đánh bại" Webpack về mặt tốc độ. Vite dựa vào Rollup - một tool vốn nổi tiếng với khả năng tree-shaking và tối ưu hóa cho ES Modules - nên thời gian build ngắn.

5. So sánh về tính năng

5.1 Configuration

Nhắc đến việc config, mình siêu "đau đầu" khi dính dáng đến Webpack, bởi vì tuy rằng nó mạnh mẽ, nhưng cũng khá lắm chiêu. Để thiết lập một ứng dụng React đơn giản, bạn thường phải tạo một file cấu hình kèm đủ loại loader cho Babel, CSS,… Ví dụ trông như thế này:

Javascript
const path = require('path');

module.exports = {
  entry: './src/index.js',
  output: {
    filename: 'bundle.js',
    path: path.resolve(__dirname, 'dist'),
    clean: true,
  },
  module: {
    rules: [
      {
        test: /\.js$/,
        exclude: /node_modules/,
        use: 'babel-loader',
      },
      {
        test: /\.css$/,
        use: ['style-loader', 'css-loader'],
      },
      {
        test: /\.(png|jpg|jpeg|gif|svg)$/,
        type: 'asset/resource',
      },
      {
        test: /\.json$/,
        type: 'json',
        parser: {
          parse: JSON.parse,
        },
      },
    ],
  },
  resolve: {
    extensions: ['.js', '.ts', '.json'],
  },
};

Với file config này, bạn có thể tùy chỉnh quy trình build - từ cách xử lý file ảnh, CSS, cho đến kiểu JSON. Tuy nhiên, càng nhiều tùy chọn cũng đồng nghĩa bạn phải "nắm vững" những quy tắc của Webpack, nếu không sẽ rất dễ rối.

Còn Vite thì sao? Mình hay nói vui, Vite "không thích dài dòng". Cấu hình mặc định của Vite đã đủ tốt cho hầu hết tất cả các trường hợp. Ví dụ, để bắt đầu một ứng dụng React bằng Vite, bạn chỉ cần vài dòng thế này:

JS
import { defineConfig } from 'vite';
import react from '@vitejs/plugin-react';

// ---------------------------------------

export default defineConfig({
  plugins: [react()],
});

5.2 Code splitting

  • Với Webpack, bạn cần tự định nghĩa cách code sẽ được chia nhỏ, thường thông qua dynamic import hoặc cấu hình entry point trong file config. Điều này giúp bạn kiểm soát chi tiết cách source code được phân tách, nhưng cũng đòi hỏi bạn phải "ra tay" nhiều hơn. Một ví dụ cơ bản:
Javascript
// Webpack - Using dynamic import for code splitting
const LazyComponent = () => import('./LazyComponent.vue');

// This dynamically imports the component only when needed, reducing the initial bundle size.
LazyComponent().then((module) => {
  const Component = module.default;
  // Render or use Component here
});

Tuy nhiên, bạn cần đảm bảo cấu hình đúng trong file Webpack (nếu cần entry point) để tránh tình trạng code splitting không hoạt động như mong muốn. Đôi khi có thể làm bạn hơi "nhọc" đặc biệt nếu trong dự án phức tạp.

  • Vite, ngược lại, giúp việc code splitting trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Chỉ cần sử dụng dynamic import, Vite sẽ tự động xử lý mọi thứ cho bạn. Không cần cấu hình rườm rà, Vite tận dụng hỗ trợ ES Modules từ browser để chia nhỏ code mượt mà và hiệu quả. Dưới đây là cách bạn có thể thực hiện điều tương tự với Vite:
Javascript
const LazyComponent = () => import('./LazyComponent.js');

Chỉ với một dòng như trên, Vite sẽ tự động tách phần code cần thiết ra thành một "chunk" riêng và load khi cần. Bạn không phải lo về cấu hình hay xử lý thủ công như với Webpack.

5.3  Ease of use

Một trong những yếu tố quan trọng khi chọn công cụ phát triển chính là độ dễ sử dụng. Ở đây, Vite đã ghi điểm lớn với mức độ dễ sử dụng dễ dàng hơn rất nhiều, đặc biệt với người mới.

Đây là dữ liệu mình lấy từ npm trends, nhìn vào số liệu này bạn có thể thấy xu hướng khá thú vị:

  • Số lượt tải xuống của Webpack đang có dấu hiệu giảm nhẹ.
  • Trong khi đó, Vite đang tăng trưởng.

Đây là tín hiệu cho thấy nhiều developer đang chuyển sang Vite nhờ sự đơn giản, tốc độ, và khả năng đáp ứng tốt cho các công nghệ.

Ngoài ra, theo star-history trên GitHub, Vite đã vượt mặt Webpack về số lượng sao từ các developer:

  • Vite: 69.889 sao
  • Webpack: 64.948 sao

Sự tăng trưởng nhanh chóng của Vite từ năm 2020 trở đi không phải là điều ngẫu nhiên. Các developer đã bị thu hút bởi sự nhanh chóng, dễ sử dụng, và tích hợp JavaScript hiện đại mặc định của Vite.

5.4 Error handling

Trong quá trình dev, lỗi là điều không thể nào tránh khỏi. Quan trọng là tool đang dùng có thể giúp bạn hiểu rõ vấn đề và khắc phục nhanh chóng hay không.

Cả Vite và Webpack đều cung cấp khả năng error handling tốt, nhưng thông báo lỗi của Vite thường mang tính thông tin và dễ thực hiện hơn. Thông báo lỗi của Webpack đôi khi sẽ khó hiểu hơn.

Giả sử mình có lỗi typing ở trong câu lệnh import như này:

JS
import { someFunction } from './nonexistentModule';

Webpack sẽ hiển thị lỗi như thế này:

JS
ERROR in ./src/index.js
Module not found: Error: Can't resolve './nonexistentModule' in '/Users/username/project/src'
 @ ./src/index.js 1:0-54

Mặc dù lỗi này chỉ ra file và số dòng, nhưng nó không đưa ra gợi ý cụ thể về cách khắc phục. Đối với những bạn chưa quen xử lý lỗi trong Webpack, việc giải mã thông báo này đôi khi có thể mất chút thời gian và nỗ lực.

Còn đối với Vite sẽ hiển thị lỗi như thế này:

Terminal
[vite] Error when evaluating entry point "src/main.js":

Failed to resolve import "./nonexistentModule" from "src/main.js". Does the file exist?

  1  |  import { someFunction } from './nonexistentModule';
     |                               ^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^
  2  |  
  3  |  console.log(someFunction());

A few potential fixes:
- Did you mean to import './nonexistentModule.js'?
- Check if the file path is correct.
- See https://vitejs.dev/guide/troubleshooting.html for more info

Bạn cũng có thể thấy được rằng thông báo lỗi của Vite chi tiết hơn, hiển thị:

  • Dòng và vị trí lỗi được đánh dấu rõ ràng, giúp bạn nhanh chóng định vị vấn đề.
  • Các giải pháp khắc phục sự cố, chẳng hạn kiểm tra lại file path hoặc thêm đuôi .js nếu bị thiếu.
  • Liên kết đến tài liệu hướng dẫn khắc phục sự cố để bạn tìm hiểu thêm nếu vẫn chưa giải quyết được.

6. Kết luận

Webpack nổi tiếng là sự lựa chọn hàng đầu cho các ứng dụng lớn, phức tạp. Ngược lại, Vite sẽ là lựa chọn tốt nhất cho các dự án vừa và nhỏ. Khi bạn phân vân giữa Webpack và Vite, bạn cần cân nhắc đến các yếu tố sau:

  • Nếu bạn muốn có trải nghiệm dev tốt, hiệu suất cao và dễ sử dụng, hãy sử dụng Vite.
  • Webpack sẽ tốt hơn nếu bạn cần mở rộng và nhiều plugin khác nhau, đồng thời sẵn sàng dành thời gian để thiết lập.

Như mình đã nói thì không có 1 lựa chọn nào là hoàn hảo, lựa chọn cuối cùng phụ thuộc vào nhu cầu của dự án bạn sẽ build.

Các bài viết liên quan:

Bài viết liên quan

Lập trình backend expressjs

xây dựng hệ thống microservices
  • Kiến trúc Hexagonal và ứng dụngal font-
  • TypeScript: OOP và nguyên lý SOLIDal font-
  • Event-Driven Architecture, Queue & PubSubal font-
  • Basic scalable System Designal font-

Đăng ký nhận thông báo

Đừng bỏ lỡ những bài viết thú vị từ 200Lab