Facebook Pixel

Client-Side Rendering: Giải thích cơ chế hoạt động của CSR

09 Dec, 2024

Tran Thuy Vy

Frontend Developer

Client-Side Rendering là kỹ thuật tạo ra các website động bằng cách render các nội dung của trang trực tiếp phía client thay vì trên phía server

Client-Side Rendering: Giải thích cơ chế hoạt động của CSR

Mục Lục

Nếu bạn từng tự hỏi tại sao các website hiện nay lại có tốc độ phản hồi nhanh, giao diện mượt mà và trải nghiệm tương tác tuyệt vời, thì Client-Side Rendering (CSR) chính là chìa khóa giúp bạn tạo nên điều đó. Các website hiện nay không chỉ dừng lại ở việc hiển thị nội dung tĩnh.

Hãy tưởng tượng: bạn đang sử dụng website quản lý công việc, mỗi cú click chuột thêm task mới sẽ lập tức hiển thị kết quả trên màn hình mà không có bất kỳ độ trễ nào. Hay khi bạn lướt store online, các thông tin sản phẩm, giỏ hàng, hay danh mục được load và update ngay lập tức. Nó bắt nguồn từ việc render giao diện trực tiếp trong browser của bạn.

Trong thực tế, CSR thường được áp dụng đặc biệt cho SPA (Single Page Application) hay các website tương tác cao như công cụ quản lý công việc, quản trị, dashboard. Tại sao lại như vậy? Hãy cùng mình đi qua bài viết này từ khái niệm cơ bản: "Client-Side Rendering là gì?", đến cách thức hoạt động của CSR.

1. Giới thiệu về CSR (Client-Side Rendering)

Trước đó, khi người dùng truy cập một website, browser sẽ gửi reques đến server. Server xử lý yêu cầu, render toàn bộ trang HTML trên server và trả về cho browser một trang HTML đã hoàn thiện.

Tuy nhiên, với sự phát triển của JavaScript và nhu cầu người dùng tương tác cao trên website, CSR ra đời và đặc biệt trở nên phổ biến. CSR chuyển phần lớn quá trình render giao diện từ server sang browser, tận dụng tài nguyên máy của người dùng, đồng thời tạo ra trải nghiệm mượt mà, tương tác nhanh chóng hơn.

Hầu hết các Single Page Application (SPA) - các ứng dụng web chỉ load trang HTML ban đầu, sau đó tương tác và cập nhật nội dung động mà không làm load lại trang - đều áp dụng CSR. Các thư viện và framework hiện đại như: React, Vue, Angular đều mặc định hoạt động theo hướng CSR hoặc hybrid (kết hợp SSR và CSR).

2. CSR (Client-Side Rendering) là gì?

CSR (Client-Side Rendering) là kỹ thuật tạo ra các website động bằng cách render các nội dung của trang trực tiếp ở phía client (browser) thay vì trên phía server.

Client-Side Rendering (CSR) là quá trình mà phần nội dung, giao diện của website được xây dựng và render trên browser của người dùng, thay vì được tạo sẵn và trả về từ server.

Khi người dùng truy cập vào URL, server hầu như chỉ trả về khung HTML cơ bản, thường là file HTML trống hoặc chỉ có một vài thẻ <div> làm "vỏ". Browser sau đó mới load JavaScript. Chính các file JavaScript này, sau khi được load và thực thi, sẽ xây dựng cấu trúc DOM, chèn nội dung và cập nhật giao diện theo logic được định nghĩa trong source code frontend.

Nói cách khác, thay vì server phải tạo ra HTML hoàn chỉnh cho từng request, thì trong CSR, phần lớn việc tạo nội dung trang, diễn ra trong browser sau khi người dùng đã tải về source code JavaScript của ứng dụng.

Điều này mở ra nhiều khả năng:

  • Ứng dụng có thể điều hướng giữa các "trang" nội bộ mà không cần load lại toàn bộ từ server.
  • Giao diện có thể cập nhật ngay lập tức khi có sự kiện người dùng (như click chuột, nhập liệu), tạo cảm giác tương tác mượt mà.
  • Toàn bộ logic dựng giao diện, định tuyến, quản lý trạng thái được chuyển hẳn về phía client, giúp server giảm việc phải render.

3. Cơ chế hoạt động của Client-Side Rendering

Cơ chế hoạt động của CSR

Quy trình chung của CSR thường diễn ra như thế này:

  1. Khi người dùng gõ vào browser URL (ví dụ: https://200lab.io/), browser gửi request đến server. Server trả về file HTML rất đơn giản, thường chỉ chứa một <div id="root"></div> hoặc tương tự, kèm theo một thẻ <script src="/bundle.js"></script>.
  2. Browser sẽ nhận HTML, bắt đầu phân tích cấu trúc. Thời điểm này, nội dung thực tế trên trang gần như chưa có. Màn hình có thể chỉ hiển thị trang trắng hoặc một layout đơn giản.
  3. Khi browser gặp thẻ <script src="/bundle.js"></script>, nó gửi request tải file JavaScript từ server. File này thường chứa toàn bộ logic ứng dụng, từ định tuyến, quản lý trạng thái đến các component giao diện.
  4. Sau khi load JavaScript, browser sẽ thực thi code. JavaScript sẽ tìm các phần tử DOM gốc (document.getElementById("root")), sau đó sử dụng các thư viện hoặc logic thuần JavaScript để build giao diện.
    Ví dụ, nếu dùng React, ReactDOM.render(…) sẽ tạo ra cây component và gắn nó vào #root. Trong quá trình này, JavaScript có thể gọi API, lấy dữ liệu từ server (thông qua AJAX, Fetch API), sau đó cập nhật giao diện tương ứng.
  5. Khi DOM đã được cập nhật bởi JavaScript, người dùng bắt đầu thấy nội dung xuất hiện trên trang. Tất cả tương tác tiếp theo, như click chuột, nhập vào form, chuyển sang trang "khác" trong SPA, đều được xử lý phía client.
    Nếu cần thêm dữ liệu, JavaScript sẽ gọi API từ phía client và cập nhật DOM mà không cần load lại trang.

4. Tại sao nên chọn Client-Side Rendering?

  • CSR cho phép web phản hồi gần như ngay lập tức với tương tác người dùng. Khi click vào button, bạn không cần load lại toàn bộ trang, chỉ phần giao diện liên quan được cập nhật. Điều này mang lại trải nghiệm thoải mái và dễ chịu.
  • SPA là kiến trúc mà toàn bộ ứng dụng được gói gọn trong trang HTML duy nhất. Điều hướng giữa các "trang" thực chất là thay đổi trạng thái bên trong ứng dụng, cập nhật DOM mà không load lại toàn bộ.
    Ví dụ, khi bạn click vào link "Tìm hiểu ngay" trên một SPA, JavaScript sẽ chặn hành vi load lại trang, thay vào đó, nó cập nhật giao diện bằng nội dung "Tìm hiểu ngay" mới tải từ API hoặc được lưu trữ trong memory. Người dùng cảm thấy như đang chuyển trang, nhưng thật ra không hề có request HTML mới đến server.
  • Trong CSR, server chỉ cần phục vụ file HTML tĩnh, bundle JavaScript, CSS, và có thể một số file media. Sau đó, hầu hết logic kết xuất được đẩy sang client. Server chỉ có trách nhiệm cung cấp dữ liệu qua API. Điều này có thể giảm tải cho server về mặt render giao diện, nâng cao khả năng mở rộng.

5. Những điều cần lưu ý khi triển khai Client-Side Rendering

  • Kích thước bundle JavaScript: vì toàn bộ logic ứng dụng chạy phía client, kích thước file JavaScript (bundle) có thể rất lớn. Điều này dẫn đến thời gian load lâu, ảnh hưởng đến trải nghiệm người dùng. Cần có các biện pháp tối ưu như: code splitting, tree shaking, lazy-loading.
  • State Management: khi ứng dụng lớn, việc quản lý dữ liệu (state) và chia sẻ nó giữa các component rất phức tạp. Các thư viện như: Redux, Zustand, Pinia, hoặc cơ chế nội bộ (React Context API, Vuex) giúp quản lý trạng thái hiệu quả và dễ dàng cập nhật DOM.
  • Client-Side Routing: thay vì để server quyết định trang nào được trả về, việc điều hướng URL sang "trang" khác trong SPA được xử lý bởi JavaScript. CÁc thư viện định tuyến như: React Router, Vue Router, Angular Router đảm bảo URL thay đổi nhưng không tải lại trang, chỉ cập nhật giao diện.
  • Tối ưu SEO: CSR mặc định không thân thiện với SEO vì bot tìm kiếm có thể không chờ JavaScript chạy hoàn chỉnh. Các giải pháp:
    - Sử dụng prerendering: tạo bản tĩnh HTML của trang để bot thu thập
    - Kết hợp SSR + CSR (hydratation): render ban đầu trên server để nội dung sẵn có cho SEO, sau đó client tiếp tục xử lý tương tác.
    - Sử dụng dịch vụ prerendering, hoặc áp dụng Progressive Enhancement (cung cấp ít nhất nội dung cốt lõi ở dạng HTML tĩnh).
  • Progressive Enhancement: đảm bảo rằng trang sẽ vẫn có phần nội dung cơ bản ở mức HTML tĩnh, sau đó JavaScript mới thêm tương tác, trang sẽ ít bị phụ thuộc hoàn toàn vào CSR.

6. Tổng kết

Với CSR, thay vì server tạo sẵn HTML hoàn chỉnh, ta đẩy công đoạn kết xuất giao diện sang trình duyệt. Mặc dù điều này có thể gây chậm trễ ban đầu, nhưng sau khi trang được tải, trải nghiệm tương tác trên CSR rất mượt và linh hoạt.

CSR đặc biệt phù hợp với các web phức tạp, SPA, dashboard, nơi mà sự linh hoạt và phản hồi nhanh. Tuy nhiên, CSR cũng mang theo nhiều thách thức như: SEO kém hơn, kích thước bundle lớn, và yêu cầu tối ưu hiệu năng phức tạp.

Qua bài viết này, hy vọng bạn đã nắm vững khái niệm Client-Side Rendering, từ cơ chế hoạt động, nguyên lý, cho đến những thách thức.

Các bài viết liên quan:

Bài viết liên quan

Lập trình backend expressjs

xây dựng hệ thống microservices
  • Kiến trúc Hexagonal và ứng dụngal font-
  • TypeScript: OOP và nguyên lý SOLIDal font-
  • Event-Driven Architecture, Queue & PubSubal font-
  • Basic scalable System Designal font-

Đăng ký nhận thông báo

Đừng bỏ lỡ những bài viết thú vị từ 200Lab