Facebook Pixel

Vòng lặp trong JavaScript

24 Jul, 2021

Vòng lặp đóng vai trò quan trọng trong hầu hết các ngôn ngữ lập trình, giúp giải quyết được các bài toán trong thực tế và rút gọn code hơn.

Vòng lặp trong JavaScript

Mục Lục

Nhắc đến vòng lặp thì hầu hết các ngôn ngữ lập trình nào cũng có và JavaScript thì cũng không phải là ngoại lệ. Vòng lặp đóng vai trò quan trọng trong hầu hết các ngôn ngữ lập trình, nó giúp giải quyết được các bài toán trong thực tế, đồng thời cũng giúp rút gọn code hơn. Giới thiệu sơ về công dụng của vòng lặp như thế là đủ rồi, chúng ta bắt tay vào tìm hiểu các vòng lặp trong JavaScript thôi nào 😉.

I. Vòng lặp for

1. Vòng lặp for cơ bản

Cú pháp cơ bản của vòng lặp for như sau:

Javascript
for ([initialization]; [condition]; [final-expression]) {
   // code ở đây
}

Giải thích:

initialization (Khởi tạo): Được thực thi trước khi vòng lặp for bắt đầu, biểu thức này dùng để khởi tạo bộ đếm của vòng lặp. Khi kết thúc vòng lặp nó sẽ được giải phóng.

condition (Điều kiện): Ở đây ta có thể đặt điều kiện cho vòng lặp, mỗi lần thực thi vòng lặp for thì nó sẽ check điều kiện này, nếu điều kiện trả về true thì sẽ thực hiện block code trong vòng lặp for và nếu trả về false thì sẽ dừng vòng lặp for.

final-expression: Biểu thức này được thực thi sau mỗi lần lặp, dùng để tăng hoặc giảm bộ đếm của vòng lặp.

Cùng đi vào ví dụ cho dễ hiểu nè 😊.

Javascript
var arr = [ 1, 2, 3 ];
for (var i = 0; i <= arr.length; i++) {
    console.log(arr[i]);
}
//--> output: 1 2 3 undefined

Một số lỗi thường mắc phải: Một số bạn mới học sẽ không tránh khỏi việc gặp một vài lỗi nhỏ khi sử dụng vòng lặp for, như ví dụ trên.

Trường hợp gặp lỗi ở ví dụ trên là do ta duyệt mảng theo giá trị index của mảng, nhưng duyệt vượt qua giá trị index trong mảng nên dẫn đến kết quả in ra cuối cùng bị undefined.

Javascript
\\Value arr: 1, 2, 3
\\Index arr: 0, 1, 2

Để fix lỗi trên ta chỉ cần đặt lại điều kiện cho vòng lặp for thành i < arr.length hoặc i <= arr.length - 1

Javascript
var arr = [ 1, 2, 3 ];
for (var i = 0; i < arr.length; i++) {
    console.log(arr[i]);
}
//--> output: 1 2 3

2. Vòng lặp for...in

Ngoài vòng lặp for cơ bản trên, ta còn có vòng lặp for...in. Nó được dùng để duyệt các phần tử của một object bất kỳ thông qua các key của object đó.

Lưu ý: object phải là object đếm được và nó không dùng cho việc duyệt mảng.

Javascript
let user = { fname: 'Alice', lname: 'Zuberg', age: 18 };
let merge_Text = '';
for (let x in user) {
  merge_Text += user[x] + ' '
}
console.log(merge_Text);
//--> output: Alice Zuberg 18

3. Vòng lặp for...of

Vòng lặp for...of dùng để duyệt qua các value của interable object (đối tượng có thể lặp lại) như Array, String, Map, Set, Arguments object...

Ví dụ với array nhé 😉

Javascript
let peoples = ['Kirito', 'Asuna', 'Alice'];
let listed = '';
for (let value of peoples) {
  listed += value + ', '
}
console.log(listed);
//--> output: Kirito, Asuna, Alice,

II. Vòng lặp while

Ngoài for thì ta còn có thể sử dụng vòng lặp while nữa nè. Với while, nó sẽ kiểm tra điều kiện trước rồi mới thực thi các dòng code bên trong nó nếu điều kiện trả về true và tất nhiên sẽ dừng vòng lặp nếu điều kiện trả về false hoặc gặp lệnh break.

Cú pháp của while khá dơn giản nè.

Javascript
while(condition) {
	//code ở đây
}

Ví dụ:

Javascript
var i = 1;
while (i < 10) 
{
	console.log(i);
    i++; //Tăng bộ đếm của vòng lặp lên 1
}
//--> output: 1 2 3 4 5 6 7 8 9

Lưu ý: không giống như for việc tăng bộ đếm nằm trên cùng một hàng và bắt buộc phải có thì mới chạy, while bạn phải tăng hoặc giảm bộ đếm của vòng lặp tùy theo mục đích của bạn ở bên trong nó và while vẫn sẽ chạy ngay cả khi ta không tăng bộ đếm của vòng lặp, tuy nhiên nó sẽ lặp vô hạn đấy nhé, "be careful" 😁.

III. Vòng lặp do...while

Một câu lệnh khác dùng để thực hiện các vòng lặp đó là do...while. Khác với forwhile, do...while thực thi code bên trong khối lệnh trước rồi mới check điều kiện ở cuối mỗi lần lặp.

Cú pháp của nó cũng đơn giản thôi nè.

Javascript
do {
	//code ở đây
} while(condition);

Ví dụ:

Javascript
let a = 1;
let sum = 0;
do {
  sum += a;
  a++; // Tăng bộ đếm
} while (a <= 10);
console.log(sum);
//--> output: 55

Lưu ý: Tương tự như while , bạn cũng phải tăng hoặc giảm bộ đếm theo mục đích của bạn để vòng lặp được thực thi. Nếu bạn không tăng hoặc quên thì nó sẽ lặp vô hạn đó nha 😉.

IV. Tìm hiểu về continue và break

Hai câu lệnh này thường được sử dụng bên trong vòng lặp hoặc các câu lệnh điều khiển.

  • continue: Khi gặp lệnh này trong vòng lặp, nó sẽ dừng thực thi các câu lệnh còn lại của vòng lặp và bắt đầu một vòng lặp mới.
  • break: Trong vòng lặp, khi gặp lệnh này, vòng lặp sẽ kết thúc mặc cho điều kiện có đúng đi chăng nữa.

Ví dụ với break

Javascript
var i = 1;
while(i < 10){
	if(i == 6){break;}
	console.log(i);
    i++;
}
//--> output: 1 2 3 4 5

Ví dụ với continue

Javascript
var i = 1;
while(i < 10){
	if( i == 2 || i == 4 || i == 6 || i == 8){
		i++;
		continue;
	}
	console.log(i);
	i++;
}
//--> output: 1 3 5 7 9

V. Tổng kết

Trên đây là toàn bộ những kiến thức căn bản về vòng lặp trong JavaScript cần phải nắm vững khi làm việc với nó. Hy vọng bài viết này sẽ giúp ích cho các bạn và nhớ thực hành nhiều mới giúp bạn nhớ và nắm chắc kiến thức nhé 😉.
Cảm ơn các bạn đã đọc 🤗.

Bài viết liên quan

Lập trình backend expressjs

xây dựng hệ thống microservices
  • Kiến trúc Hexagonal và ứng dụngal font-
  • TypeScript: OOP và nguyên lý SOLIDal font-
  • Event-Driven Architecture, Queue & PubSubal font-
  • Basic scalable System Designal font-

Đăng ký nhận thông báo

Đừng bỏ lỡ những bài viết thú vị từ 200Lab