GitOps là gì? So sánh CI/CD truyền thống với GitOps
14 Sep, 2024
Hướng nội
AuthorGitOps là mô hình quản lý hạ tầng dựa trên Git, khi thay đổi xảy ra, hệ thống sẽ tự động hóa toàn bộ quy trình triển khai và đồng bộ hóa hạ tầng
Mục Lục
GitOps đã thay đổi cách các đội ngũ tương tác với hạ tầng và ứng dụng bằng cách tập trung vào tự động hóa, sự đồng bộ liên tục, và tính minh bạch trong quy trình làm việc. Nó giúp chúng ta quản lý các hệ thống phức tạp một cách ổn định, nhất quán, và hiệu quả, đồng thời tăng khả năng phục hồi và giảm thiểu rủi ro.
1. GitOps là gì?
GitOps là mô hình quản lý hạ tầng hiện đại, trong đó Git được sử dụng như một nguồn tin cậy duy nhất (single source of truth). Mọi thay đổi về hạ tầng hoặc ứng dụng đều được ghi lại và kiểm soát chặt chẽ thông qua mã nguồn trong Git.
Khi có bất kỳ thay đổi nào trong Git repository, hệ thống sẽ tự động hóa quy trình triển khai và đồng bộ hóa hạ tầng, đảm bảo rằng tất cả các tài nguyên luôn được cấu hình đúng và nhất quán với trạng thái được xác định trước đó.
2. So sánh CI/CD truyền thống với GitOps
2.1 Mô hình CI/CD truyền thống
Ở mô hình mô hình CI/CD truyền thống, mỗi giai đoạn trong quy trình phát triển được thực hiện bởi các đội nhóm riêng biệt:
- Đội phát triển (Development) viết code và tạo ra các phiên bản phần mềm mới.
- Đội kiểm thử (QA - Quality Assurance) kiểm tra các tính năng mới.
- Sau khi phần mềm vượt qua kiểm thử, nó được bàn giao cho đội vận hành (Operations) như System Admin, Network Engineer, Database Admin, ... triển khai lên môi trường Production.
Giả sử công ty bạn đang phát triển một ứng dụng quản lý nhân viên, các developer sẽ viết thêm một tính năng mới giúp quản lý hồ sơ nhân viên và bàn giao nó cho đội QA. Đội QA sẽ kiểm thử tính năng này để đảm bảo không có lỗi và sau đó chuyển giao cho đội vận hành để triển khai ứng dụng này lên máy chủ của công ty, hệ thống sau đó sẽ được sử dụng bởi các nhân viên trong công ty.
Vấn đề trong quy trình truyền thống này là:
- Chia tách công việc giữa các đội: Đội phát triển, kiểm thử, và vận hành làm việc riêng rẽ, dẫn đến việc bàn giao cần rất nhiều tài liệu chi tiết để tránh sai sót. Sự chia tách này thường gây ra sự chậm trễ và làm giảm tốc độ triển khai phần mềm, vì có nhiều bước phải chờ đợi.
Ví dụ: Đội phát triển hoàn thành tính năng mới vào thứ Hai, nhưng đội QA không có thời gian kiểm thử ngay, họ bắt đầu vào thứ Tư. Đến thứ Sáu, đội QA hoàn thành kiểm thử và chuyển sang đội vận hành, nhưng đội vận hành chỉ có thể triển khai vào tuần sau, vì cuối tuần không có ai monitor hệ thống. Kết quả là việc ra mắt tính năng mới bị chậm trễ. - Thiếu công cụ hiện đại để quản lý hạ tầng: Các hệ thống vận hành truyền thống không có công cụ tự động hóa, nên việc thiết lập hạ tầng mới để triển khai phần mềm rất phức tạp và dễ gặp lỗi. Điều này đòi hỏi đội vận hành phải có kiến thức rất chuyên sâu về hệ thống, mà đôi khi thực tế lại không như mong đợi.
Ví dụ: Nếu tính năng mới cần máy chủ có cấu hình đặc biệt, đội vận hành phải cấu hình thủ công từng máy chủ. Quá trình này dễ xảy ra lỗi và tốn nhiều thời gian, đặc biệt nếu có nhiều máy chủ. - CI tự động hóa nhưng triển khai vẫn thủ công: Các đội phát triển hiện nay thường sử dụng hệ thống CI (Continuous Integration - Tích hợp liên tục), mã nguồn sẽ tự động được build, kiểm thử, và sẵn sàng để tích hợp. Tuy nhiên, ở nhiều tổ chức, quá trình triển khai (Deployment) vẫn còn thủ công.
Ví dụ: Khi lập trình viên viết code và đẩy lên Git repository, hệ thống CI sẽ tự động kiểm thử mã nguồn đó để đảm bảo không có lỗi. Nhưng sau khi kiểm thử xong, đội vận hành vẫn phải đăng nhập vào máy chủ để triển khai phần mềm thủ công, ví dụ như chuyển code lên máy chủ và khởi động lại ứng dụng.
2.3 Lợi ích mà GitOps mang lại
GitOps mang lại những lợi ích vượt trội so với CI/CD truyền thống, đặc biệt là khả năng tự động hóa quy trình triển khai, quản lý hạ tầng dễ dàng và nhất quán, đảm bảo an toàn hơn trong quy trình triển khai, và khả năng phục hồi nhanh chóng khi gặp sự cố.
Dưới đây là những lợi ích chính mà GitOps mang lại:
- Tính khai báo và không thay đổi: GitOps sử dụng cấu hình khai báo (declarative), tức là bạn chỉ cần xác định trạng thái mong muốn của hệ thống, thay vì phải viết các lệnh chi tiết để thực hiện thay đổi.
Hạ tầng được quản lý theo cách không thay đổi (immutable), nghĩa là bạn không chỉnh sửa trực tiếp trên tài nguyên hiện có mà thay vào đó, bạn tạo ra tài nguyên mới và thay thế tài nguyên cũ. Điều này đảm bảo rằng không có thay đổi không mong muốn xảy ra và giúp hệ thống giữ được tính nhất quán và an toàn. - Đồng bộ hóa tự động: GitOps tự động đồng bộ trạng thái của hệ thống với các cấu hình được lưu trữ trong Git, bao gồm các nhiệm vụ như triển khai, cập nhật, mở rộng quy mô, và khôi phục. Điều này giúp đảm bảo rằng hệ thống luôn đúng với cấu hình mong muốn mà không cần can thiệp thủ công.
- Tích hợp với pull request: GitOps tích hợp sâu với quy trình làm việc thông qua pull request, nơi mọi thay đổi về hạ tầng hoặc ứng dụng đều được xử lý như code. Quy trình này giúp tăng tính minh bạch, tạo điều kiện cho việc kiểm tra code, thảo luận và chia sẻ kiến thức giữa các thành viên trong nhóm.
- Giám sát liên tục: GitOps liên tục theo dõi hệ thống để phát hiện và khắc phục bất kỳ sự lệch lạc nào so với trạng thái mong muốn. Điều này giúp hệ thống luôn trong tình trạng hoạt động tối ưu và ổn định.
- Tăng hiệu quả và năng suất: Bằng cách tự động hóa các công việc liên quan đến quản lý nền tảng (platform), GitOps giảm thiểu các công việc thủ công và sai sót do con người, cho phép các đội ngũ tập trung vào việc sáng tạo và cải tiến.
- Tăng cường tính nhất quán và độ tin cậy: Git đóng vai trò như nguồn tin cậy duy nhất, đảm bảo mọi cấu hình và thay đổi đều nhất quán và đáng tin cậy trên các môi trường khác nhau (phát triển, thử nghiệm, production).
- Khôi phục và rollback nhanh chóng: GitOps cho phép nhanh chóng quay lại trạng thái trước đó nếu có sự cố, giúp hệ thống dễ dàng phục hồi và tăng cường khả năng chống chịu trước các sự cố không mong muốn.
- Tăng cường bảo mật: Mọi thay đổi về hạ tầng hoặc ứng dụng đều được thực hiện thông qua các Pull Request (PR) trong Git. Điều này có nghĩa là trước khi bất kỳ thay đổi nào được thực hiện trên hệ thống, các thành viên trong nhóm phải kiểm tra và phê duyệt thay đổi đó thông qua quá trình code review.
3. Các công cụ gắn liền với GitOps
Để thực hiện GitOps hiệu quả, có một số công cụ bạn cần tìm hiểu và làm quen, dưới đây là danh sách các công cụ đang rất phổ biến trên thị trường
3.1 Công cụ quản lý Git
Git là nền tảng cơ bản của GitOps, nơi quản lý toàn bộ cấu hình hạ tầng và ứng dụng, các công cụ Git phổ biến bao gồm:
- GitHub: Nền tảng Git phổ biến nhất hiện nay, cung cấp hệ thống quản lý mã nguồn và tích hợp với CI/CD, quản lý quyền truy cập và hỗ trợ pull request.
- GitLab: Tích hợp đầy đủ các tính năng từ GitOps đến CI/CD trong một nền tảng, phù hợp với những dự án lớn đòi hỏi quy trình khép kín.
- Bitbucket: Nền tảng Git của Atlassian, có tích hợp với các công cụ DevOps như Jira và Bamboo, rất phổ biến trong các doanh nghiệp lớn.
3.2 Công cụ triển khai tự động (GitOps Controller)
Những công cụ này giúp tự động hóa việc đồng bộ trạng thái giữa Git và hạ tầng của bạn.
- ArgoCD: Một công cụ GitOps nổi tiếng giúp tự động triển khai các thay đổi từ Git sang môi trường Kubernetes. ArgoCD liên tục giám sát Git repository và đảm bảo hạ tầng Kubernetes luôn đồng bộ với trạng thái khai báo trong Git.
- Flux: Một công cụ GitOps khác được phát triển bởi Weaveworks, Flux tự động đồng bộ cấu hình trong Git với Kubernetes, hỗ trợ tự động hóa việc triển khai và quản lý tài nguyên.
3.3 Công cụ quản lý hạ tầng (Infrastructure as Code - IaC)
Các công cụ này giúp định nghĩa và quản lý hạ tầng, phù hợp với mô hình GitOps.
- Terraform: Công cụ phổ biến nhất để quản lý hạ tầng multi-cloud. Terraform cho phép bạn định nghĩa hạ tầng như code và tự động triển khai thông qua GitOps.
- Pulumi: Công cụ tương tự Terraform, nhưng hỗ trợ lập trình quản lý hạ tầng bằng các ngôn ngữ như JavaScript, TypeScript, Python, giúp dễ dàng tích hợp với các quy trình phát triển phần mềm.
- Crossplane: Công cụ mới nổi, cho phép quản lý cơ sở hạ tầng multi-cloud trực tiếp từ Kubernetes, biến Kubernetes thành một nền tảng quản lý hạ tầng đầy đủ.
3.4 Công cụ giám sát
Giám sát hệ thống là một phần quan trọng trong GitOps để phát hiện sự thay đổi hoặc sai lệch so với cấu hình mong muốn.
- Prometheus: Hệ thống giám sát mã nguồn mở, thường được kết hợp với GitOps để theo dõi sức khỏe của hạ tầng và ứng dụng, từ đó kích hoạt các hành động tự động nếu phát hiện lỗi.
- Grafana: Công cụ giám sát và trực quan hóa mạnh mẽ, dùng để tạo dashboard theo dõi hoạt động của hệ thống GitOps, giúp bạn nhận thông tin phản hồi tức thì.
- Loki: Công cụ thu thập và lưu trữ log từ hệ thống Kubernetes, Loki kết hợp với Grafana để cung cấp cái nhìn tổng quan về các sự cố, trạng thái hệ thống qua log.
3.5 Công cụ bảo mật
Quản lý bảo mật và dữ liệu nhạy cảm (secret) là phần không thể thiếu trong GitOps.
- HashiCorp Vault: Giúp bảo vệ các thông tin nhạy cảm như API keys, mật khẩu và mã hóa dữ liệu trong môi trường triển khai tự động của GitOps.
- Sealed Secrets: Công cụ mã hóa và lưu trữ bí mật trực tiếp trong Git, giúp bạn quản lý thông tin nhạy cảm an toàn khi sử dụng GitOps.
3.6 Công cụ kiểm tra bảo mật và chính sách
Đảm bảo hạ tầng và ứng dụng tuân thủ các quy định bảo mật là cần thiết trong GitOps.
- OPA (Open Policy Agent): Một công cụ kiểm tra chính sách mã nguồn mở, OPA đảm bảo rằng mọi cấu hình được tuân thủ theo quy tắc bảo mật được xác định từ trước.
- Kyverno: Một công cụ chính sách chuyên biệt cho Kubernetes, giúp bạn quản lý chính sách trực tiếp trong hệ thống GitOps và Kubernetes một cách tự động.
4. Kết luận
Trong một thế giới công nghệ không ngừng phát triển, GitOps không chỉ đơn thuần là một xu hướng mà còn là một tiêu chuẩn quan trọng đảm bảo sự ổn định và hiệu quả trong quản lý hệ thống. Hy vọng bài viết của mình đã giúp cho các bạn có được bức tranh toàn cảnh về GitOps.
Các bài viết liên quan: