Hiện nay trên các Job Description (JD) vị trí backend developer có rất nhiều kỹ năng, công cụ DevOps được đưa vào phần "yêu cầu bắt buộc" hoặc "lợi thế lớn". Vậy DevOps là gì mà các lập trình viên cần phải biết, chúng ta cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!
DevOps là gì?
Ý nghĩa của từ DevOps đã được thể hiện hết trên mặt chữ, chúng là sự ghép đôi giữa hai từ đơn Dev và Ops.
Dev viết tắt của Development có nghĩa là phát triển phần mềm. Đây là giai đoạn các lập trình viên sẽ viết code, chạy chương trình và kiểm thử ứng dụng đó giúp chúng chạy được trên máy của mình hoặc chạy được trên một server test nào đó.
Tương tự vậy, Ops là từ viết tắt của Operations mang ý nghĩa vận hành và cài đặt phần mềm. Đây là giai đoạn các lập trình viên sẽ triển khai ứng dụng chạy trên server của mình hoặc server của khách hàng, máy chủ hoặc server này có thể là một cloud hoặc dedicated server.
DevOps chính là sự kết nối giữa hai công việc trên.
Hay như Wikipedia định nghĩa, DevOps là:
DevOps is a set of practices that combines software development (Dev) and IT operations (Ops). It aims to shorten the systems development life cycle and provide continuous delivery with high software quality. DevOps is complementary to agile software development, several DevOps aspects came from the agile way of working.
Công việc của một kỹ sư DevOps (DevOps Engineer) là gì?
Để phát triển một phần mềm cần rất nhiều công đoạn nào là viết code, thiết kế (design), kiểm thử (testing),...
Các lập trình viên trong đội phát triển lúc này có nhiệm vụ phải viết ứng dụng bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, chẳng hạn như: C#, Ruby, Java, PHP, Golang,... sau đó áp dụng build tools để có thể build ứng dụng này ra ngôn ngữ máy giúp nó chạy được.
Và để cho an toàn, tất cả code của đội phát triển sẽ được lưu ở một cái kho chẳng hạn như GitHub, SVN,... Một kỹ sư DevOps không cần phải viết phần mềm nhưng bạn cần phải biết các khái niệm, luồng dữ liệu cũng như làm thế nào để phần mềm có thể chạy được.
Ví dụ: Đội phát triển phần mềm sẽ đưa cho bạn một phần mềm, bạn với cương vị là một kỹ sư DevOps lúc này phải tìm cách cài đặt như thế nào để cho phần mềm đó chạy được giống hệt trên máy của đội phát triển.
Ngoài ra, kỹ sư DevOps cũng cần phải biết:
- App's configuration
- Tuỳ biến
- Database
- Web services
- Vận hành test tự động (automation testing),...
Trách nhiệm của một kỹ sư DevOps (DevOps Engineer)
Dưới đây là một số trách nhiệm chính mà một kỹ sư DevOps cần có:
- Hiểu yêu cầu của khách hàng và KPI của dự án
- Triển khai các công cụ phát triển, thử nghiệm và tự động hóa
- Xác định và thiết lập các quy trình phát triển, thử nghiệm và phát hành ứng dụng.
- Quản lý sự cố cũng như phân tích nguyên nhân gốc rễ nếu có lỗi xảy ra
- Phối hợp và giao tiếp với khách hàng
- Lựa chọn và triển khai các công cụ CI/CD
- Theo dõi và đo lường trải nghiệm của khách hàng cũng như KPI
- Quản lý báo cáo định kỳ về tiến độ cho quản lý và khách hàng
Hay nói một cách dễ hiểu chúng ta sẽ có một giả dụ sau.
Giả sử: kỹ sư DevOps đã viết xong một ứng dụng và đưa lên server chuẩn bị bàn giao cho khách hàng. Lúc này, khách hàng sẽ truy cập vào server đó (kỹ sư DevOps cần một server vật lý hoặc một sever cloud). Dù server này là loại nào thì họ vẫn phải config để chạy, đây là trách nhiệm của một kỹ sư DevOps.
Kỹ năng của một kỹ sư DevOps (DevOps Engineer)
Cần có các kỹ năng tiên quyết cần thiết dưới đây để có thể trở thành một kỹ sư DevOps thực thụ:
- Kinh nghiệm làm việc trên cơ sở hạ tầng dựa trên Linux. Kỹ sư DevOps cần phải biết cấu trúc file cũng như các câu lệnh CLI (Command Line Interface) nếu server hoặc máy chủ chạy hệ điều hành Linux.
- Có sự hiểu biết chuyên sâu về ngôn ngữ Ruby, Python, Perl và Java.
- Cấu hình và quản lý cơ sở dữ liệu như MySQL, Mongo.
- Có khả năng khắc phục sự cố.
- Nguồn kiến thức đa dạng khi làm việc với các công cụ khác nhau, phần mềm nguồn mở (open-source technologies) và cloud services.
- Có nhận thức rõ ràng về các khái niệm quan trọng trong nguyên tắc DevOps và Agile.
- Bên cạnh đó, bạn cần phải có kiến thức về mạng (networking) và bảo mật (security), bạn có thể configure firewall cho ứng dụng. Dù không phải chuyên gia nhưng bạn cũng cần phải biết địa chỉ IP DNS hoạt động như thế nào.
Lợi ích mà DevOps mang lại
Giá trị của DevOps rất lớn, chúng mang lại tác động tích cực đến các tổ chức và doanh nghiệp. Giúp các doanh nghiệp và tổ chức:
Hợp tác và tin tưởng
Nếu muốn làm việc trên DevOps một cách thành công, các nhóm phải tuân thủ văn hoá chia sẻ trách nhiệm, minh bạch và phản hồi vấn đề một cách nhanh chóng.
Theo một cuộc khảo sát, các nhóm làm việc không tuân thủ tư duy hệ thống DevOps sẽ thiếu khả năng lập kế hoạch, sắp xếp sai thứ tự công việc ưu tiên vì họ luôn có suy nghĩ "Đó không phải là vấn đề của mình", những điều này lâu dần sẽ dẫn đến tốc độ làm việc của họ bị chậm lại và chất lượng công việc không đạt tiêu chuẩn.
DevOps là sự thay đổi trong tư duy, quá trình phát triển một cách tổng thể và phá bỏ rào cản giữa phát triển và vận hành.
Làm việc "thông minh" hơn
Các nhóm DevOps sẽ phát hành sản phẩm thường xuyên với chất lượng và độ ổn định cao hơn. Các kỹ sư DevOps ứng dụng các công cụ thúc đẩy quá trình tự động hóa và quy trình mới giúp tăng năng suất với ít trục trặc xảy ra hơn.
Đẩy nhanh thời gian giải quyết vấn đề
Tính minh bạch và giao tiếp liền mạch giúp các nhóm DevOps giảm thiểu thời gian bị trì trệ điều đó giúp giải quyết vấn đề nhanh hơn. Vì nếu các vấn đề quan trọng không được giải quyết nhanh chóng, sự hài lòng của khách hàng sẽ giảm đi.
Giao tiếp cởi mở đã giúp các nhóm vận hành và phát triển tập trung vào các vấn đề, khắc phục sự cố và thúc đẩy quy trình phát hành nhanh hơn.
Lợi thế cạnh tranh trên thị trường cao
DevOps có thể thích ứng nhanh chóng với sự thay đổi của thị trường chính là chìa khoá mấu chốt. Khi thích ứng bạn sẽ có lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ hơn so với những người khác làm theo cách truyền thống. Thêm vào đó, việc sử dụng DevOps cũng giúp giảm chi phí liên quan đến chu trình phần mềm và tối đa hóa ROI cũng như lợi nhuận.
Các công cụ thường dùng trong DevOps
DevOps hoạt động ở chế độ đa chức năng chính vì thế chúng có rất nhiều công cụ thuộc nhiều loại với các mục đích khác nhau. Các công cụ này sẽ trợ giúp kỹ sư DevOps trong suốt vòng đời sản xuất phần mềm, phát triển, quản lý và phân phối.
Công cụ tự động hóa
Dưới đây là một số công cụ tự động hóa DevOps phổ biến
Jenkins
Jenkins là một máy chủ tự động hoá mã nguồn mở (open source) giúp tự động hóa các quy trình phát triển phần mềm như xây dựng, hỗ trợ CI/CD, triển khai và thử nghiệm.
Docker
Docker được phát hành vào năm 2013 và cho đến nay đã có hơn 11 triệu nhà phát triển sử dụng. Là một công cụ DevOps, Docker giúp các nhà phát triển xây dựng, đóng gói (package) sau đó triển khai mã một cách dễ dàng và nhanh chóng.
Docker đảm bảo giai đoạn của chu trình DevOps sẽ được duy trì cùng một môi trường phát triển. Các nhóm phát triển có thể tạo hình ảnh Docker mà họ có thể chạy trong môi trường phát triển để các nhóm vận hành thực hiện thử nghiệm và triển khai.
Puppet
Puppet là công cụ mã nguồn mở (open source) để configuration management (CM). Công cụ tự động hóa này giúp quản lý giai đoạn vòng đời phần mềm khác nhau, chẳng hạn như cung cấp IT infrastructure, cấu hình và configuration trên cơ sở hạ tầng đám mây và trung tâm dữ liệu.
Ngoài ra còn có các tool khác như: Apache Maven, Gradle.
Công cụ DevOps Pipeline (CI/CD)
CircleCI
Công cụ CI/CD dựa trên cloud, CircleCI cung cấp độ tin cậy và tốc độ cho quy trình phát triển phần mềm của bạn. CircleCI được thành lập vào năm 2011 và hiện đang có hơn 35 triệu bản dựng mỗi tháng. CircleCI được ứng dụng bởi các công ty hàng đầu như Spotify, PagerDuty, Ford Motor Company, Samsung,...
Buddy
Buddy giúp tích hợp và triển khai xây dựng phần mềm nhanh hơn. Công cụ này phù hợp cho các dự án sử dụng mã từ kho GitHub và Bitbucket. Ngoài ra, nó cho phép bạn sử dụng bộ chứa Docker được cài đặt sẵn để xây dựng phần mềm đồng thời giám sát và gửi cảnh báo đến bạn.
Bamboo
Bamboo là công cụ DevOps giúp bạn tạo kế hoạch xây dựng theo nhiều giai đoạn, thiết lập trình kích hoạt và phân bổ các bản dựng quan trọng. Bamboo sẽ có phần mềm dạng miễn phí và có trả phí.
Ngoài ra còn có các tool khác như: TeamCity, Travis CI.
Công cụ kiểm soát mã nguồn mở
Git
Git là một trong những công cụ được ứng dụng rộng rãi nhất, được phát hành vào năm 2005, chúng được viết bằng ngôn ngữ C, Perl, Shell và Tcl. Công cụ quản lý mã nguồn phân tán (SCM) được sử dụng để phát triển phần mềm và điều phối công việc giữa các lập trình viên một cách hiệu quả.
GitHub
GitHub được hàng triệu công ty và các nhà phát triển sử dụng để xây dựng, quản lý và vận chuyển phần mềm. Hiện GitHub được xem là nền tảng phát triển tiên tiến và lớn nhất thế giới với hơn 56 triệu người dùng. GitHub cung cấp dịch vụ lưu trữ web để phát triển phần mềm cũng như kiểm soát phiên bản của nó bằng Git.
Công cụ quản lý cấu hình
Chef
Chef được ứng dụng để hợp lý hoá cấu hình và bảo trì máy chủ, nó cũng tích hợp được nhiều giải pháp dựa trên cloud như Amazon EC2, Microsoft Azure, Google Cloud Platform,...
Kubernetes
Kubernetes (K8s) là một nền tảng nguồn mở có thể mở rộng để quản lý, triển khai các ứng dụng được đóng gói và các service. Công cụ này được viết bằng ngôn ngữ Go và là một trong những công cụ tự động hóa DevOps tốt nhất.
Ngoài ra còn có các tool khác như Terraform, Ansible, Consul, Terraform.
Công cụ kiểm tra (testing)
Selenium
Nếu bạn đang tìm một công cụ tự động hóa quá trình kiểm thử phần mềm thì Selenium là một lựa chọn tốt. Selenium là một phần mềm mã nguồn mở được phát hành vào năm 2018, bạn có thể viết thử nghiệm bằng các ngôn ngữ lập trình khác nhau như Java, PHP, Python, C, Perl, Ruby,...
Tricentis Tosca
Tricentis Tosca là một công cụ automation test dựa trên AI cung cấp nhiều tính năng để liên tục testing từ đầu đến cuối như dashboard, analytics,... Công cụ này có kết hợp các khía cạnh như tự động hóa thử nghiệm, thiết kế trường hợp, tạo và thiết kế dữ liệu cũng như phân tích.
TestSigma
TestSigma là công cụ automation test dựa trên cloud dành cho web, API và các ứng dụng dành cho thiết bị di động. Chúng tận dụng AI để thực hiện và bảo trì thử nghiệm nhanh hơn.
Ngoài ra còn có các tool khác như: IBM Rational Functional Tester, SoapUI.
Công cụ Monitoring
Nagios
Nagios là mã nguồn mở giám sát hệ thống và được viết bằng ngôn ngữ C. Chúng cung cấp các dịch vụ cảnh báo và giám sát các applications, servers, logs và switches.
Prometheus
Prometheus là công cụ theo dõi và cảnh báo về hệ thống, nó được viết bằng ngôn ngữ Go và được phát hành vào năm 2012. Prometheus sẽ ghi lại số liệu theo thời gian thực trong cơ sở dữ liệu time-series.
Ngoài ra còn có các tool khác như: New Relic, PagerDuty, Sensu, Splunk, ELK Stack.
Ngoài các công cụ DevOps đã đề cập ở trên, bạn có thể tham khảo thêm những công cụ dưới đây để hỗ trợ việc lập kế hoạch, phản hồi và bảo mật.
- Continuous feedback: Mouseflow, JIRA Service Desk, SurveyMonkey, SurveyGizmo,...
- Công cụ quản lý công việc: Slack, Basecamp, Asana,...
- Công cụ lập kế hoạch: Atlassian Jira Align, Planview, Targetprocess, Trello,...
- Cloud DevOps tools: Kamaterra, OpenStack, AWS, Google Cloud Platform, Azure, IBM Cloud,...
DevOps Roadmap
Lời kết
200Lab hy vọng những chia sẻ ở trên đã giúp bạn có được cái nhìn tổng quan về công việc của một kỹ sư DevOps.
Nếu bạn có định hướng trở thành DevOps chuyên nghiệp thì bạn có thể tham khảo khoá học DevOps for Backend Developer tại đây.
Tham khảo thêm:
- Docker Compose là gì? Các lệnh cơ bản trong Docker Compose
- Docker: Deploy Nginx, Let's Encrypt web service có SSL đơn giản nhất
- Digital Ocean: Hướng dẫn tạo Droplet cùng 100$ FREE credit
- VirtualBox là gì? Hướng dẫn tạo máy ảo Ubuntu trên VirtualBox
- Microservices: Những sai lầm và chiến lược chuyển đổi từ Monolith
Pum
Life is short. Smile while you still have teeth :)
Bài viết liên quan
Linux là gì? So sánh Hệ điều hành Linux và Windows
Oct 03, 2024 • 8 min read
Full bộ source code: Simple Task Microservices
Oct 02, 2024 • 1 min read
Fluentd là gì? So sánh Fluentd và Logstash
Sep 29, 2024 • 11 min read
Nginx là gì? Web Server đa năng cho các Hệ thống lớn
Sep 27, 2024 • 11 min read
Hướng dẫn Cài đặt Self-hosted Runners cho Github Actions
Sep 25, 2024 • 7 min read
Infrastructure as Code (IaC) là gì?
Sep 23, 2024 • 9 min read